Nan giải việc xử lý rác thải sinh hoạt tại Đà Lạt

folder_openTin tức

VOV.VN – Nguy cơ ô nhiễm môi trường của TP du lịch Đà Lạt nói chung, khu vực bãi rác Cam Ly nói riêng ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát.

Hiện mỗi ngày, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thu gom và xử lý bình quân 250 tấn rác thải. Do Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, bãi rác Cam Ly vốn đã đóng cửa vì ô nhiễm và quá tải, nay buộc phải gồng mình mở cửa tiếp nhận chôn lấp rác.   

Xây dựng trên khu đất 28ha tại xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt 20km, Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 5/2015, thay thế cho bãi rác Cam Ly đã quá tải.

Bãi rác Cam Ly quá tải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thế nhưng, ngay khi đi vào hoạt động, nhà máy này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: công nghệ vận hành lạc hậu, máy móc thường xuyên hư hỏng, lượng rác nhận vào không xử lý hết gây ùn ứ… Hậu quả là việc xử lý rác thải của TP Đà Lạt dần rơi vào cảnh bế tắc. Theo ông Cao Văn Cho, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do mức giá xử lý rác mà tỉnh trả cho doanh nghiệp quá thấp.

“Năm 2015, khi chính thức đi vào hoạt động, giá xử lý 129.500 đồng/tấn rác. Ở nơi khác xử lý chôn lấp như Cam Ly giá đã là 136.000 đồng/tấn, còn tôi xử lý bằng máy móc mà chỉ cho giá thấp như vậy nên bị lỗ quá, không hoạt động nổi. Đến năm 2017, UBND tỉnh cho tôi giá tạm tính là 336.000 đồng/tấn nhưng tôi chấp nhận giao lại cho Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng. Đơn vị này có chọn 2 nhà đầu tư mới vào nhưng họ không có khả năng làm, họ không làm nổi nên đi, thì tôi mới vừa tiếp nhận lại nhà máy này cách đây 2 tháng. Chúng tôi lại tiếp tục đầu tư và đang kêu gọi liên doanh hợp tác cùng làm để cố gắng xử lý rác sao cho môi trường xanh, sạch, đẹp”, ông Cho nói.

Hiện nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng 40% công suất thiết kế, mỗi ngày tiếp nhận xử lý 80 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm chưa đầy 1/3 tổng lượng rác thải của Đà Lạt. Điều này đồng nghĩa với việc 170 tấn rác thải còn lại buộc phải mang tới bãi rác Cam Ly, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây càng thêm nghiêm trọng và khó kiểm soát. Trong những năm gần đây, bãi rác Cam Ly đã nhiều lần bị sạt lở khi trời mưa lớn, vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Tuy vậy, theo ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, việc bãi rác Cam Ly khi nào đóng cửa là phụ thuộc vào quá trình hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn ở xã Xuân Trường.

“Bãi rác Cam Ly nằm trong khu vực ô nhiễm trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu tiến hành đóng cửa bãi rác. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã bố trí kinh phí và cũng đã xây dựng phương án để tiến hành đóng cửa bãi rác. Tuy nhiên, do hiện nay việc đầu tư của Nhà máy này chưa hoàn chỉnh nên rác thải vẫn tiếp tục được đưa về bãi rác Cam Ly. Hiện nay vấn đề khó khăn nhất vẫn là nhà đầu tư do những vấn đề nội bộ, khi nhà đầu tư ổn định được nội bộ trong họ thì việc đầu tư vào sẽ hoàn chỉnh theo như đăng ký ban đầu, khi ấy mọi việc xử lý rác sẽ được bình thường”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh tại Đà Lạt hoạt động cầm chừng.

Doanh nghiệp cho rằng mức giá xử lý rác tỉnh trả quá thấp khiến nhà máy càng hoạt động càng lỗ, còn cơ quan chức năng thì đổ lỗi tại nội bộ doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh đầu tư nhà máy. Chưa biết đến thời điểm nào Đà Lạt mới có thể xử lý vấn nạn rác thải sinh hoạt hiện nay. Nhưng cho dù việc xử lý rác của Đà Lạt “sẽ được bình thường” như lời ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, thì tất cả những nỗ lực đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiểm tra thực tế tình hình xử lý rác thải tại Đà Lạt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, về lâu dài, Lâm Đồng cần có những giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn để kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình xử lý rác thải: “Đà Lạt là một thành phố du lịch lớn thì rác thải đang là một vấn đề hết sức cấp bách trong khi chúng ta chưa có một quy hoạch, đầu tư một cách bài bản. Đây là bài toán đang đặt lên sức ép rất lớn cho Lâm Đồng. Việc đầu tư nhà máy này chẳng qua là giải quyết một bài toán tạm thời, vì gọi là công nghệ đốt rác nhưng mà công nghệ này chưa được thẩm định. Đối với Đà Lạt, trong thời gian tới nên lựa chọn mô hình kiểm soát toàn bộ các khâu vận chuyển và có các khâu phù hợp để xử lý. Đương nhiên là chúng tôi sẽ đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp căn cơ đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sửa đổi sắp tới”.

Nếu không nhanh chóng quy hoạch và đầu tư một cách bài bản vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, Đà Lạt – Lâm Đồng khó có thể giữ được hình ảnh thành phố du lịch ngàn hoa./.Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Menu